Sự nghiệp Bành Châu (nhà biên kịch)

Phim tài liệu

Theo quy định của nhà nước Việt Nam trong thời kỳ này, các du học sinh thuộc các ngành văn hóa nghệ thuật cần về nước để chỉnh huấn và học tập chính trị vào mỗi dịp nghỉ hè hằng năm. Cuốn kịch bản Hồng thập tự Việt Nam của Bành Châu đã ra đời trong một lần nghỉ hè này. Bộ phim ca ngợi tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt Nam được đạo diễn bởi Nguyễn Ngọc Quỳnh và nhận được bằng khen danh dự tại Liên hoan phim quốc tế về Hồng thập tự tại Cannes. Sau khi tốt nghiệp chính quy tại Liên Xô, Bành Châu trở về nước. Dù tốt nghiệp chuyên ngành biên kịch phim truyện, Bành Châu lại được cử sang làm việc tại Xưởng phim thời sự, tài liệu.

Ngày 15 tháng 10 năm 1964, nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa xử bắn.[6] Đây là một trong những hình tượng tiêu biểu về người chiến sĩ cách mạng Việt Nam thời bấy giờ, đã gây xúc động cho rất nhiều người. Bộ phim tài liệu "Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi" của đạo diễn Bùi Đình Hạc đã bắt đầu khởi quay trong bối cảnh đó. Bành Châu được phân công viết kịch bản và lời bình cho bộ phim tài liệu này.[7] Về sau, bộ phim đã giành được giải bạc tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1965,[8][9] và Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1 năm 1970.

Tiếp nối sự thành công của Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Bành Châu bắt tay vào viết kịch bản và lời bình cho Tuổi hai mươi vào năm 1965 để kỷ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ phim đánh dấu lần thứ 2 ông hợp tác với đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh. Sau một thời gian đi thực tế tại Vĩnh Linh, ông liên tiếp cho ra đời 2 kịch bản Một ngày trực chiến và Lũy thép Vĩnh Linh về sự khốc liệt của chiến tranh ở vùng đất này. Trong đó, đạo diễn của Lũy thép Vĩnh Linh chính là Nguyễn Ngọc Quỳnh. Cả 2 bộ phim đều nhận được Bông sen vàng cho phim tài liệu xuất sắc.[10][11] Năm 1973 và 1975, ông tiếp tục viết kịch bản và lời bình cho 2 bộ phim Vĩnh biệt, khách không mời và Bước đường thắng lợi, đều do Nguyễn Ngọc Quỳnh đạo diễn.[12][13]

Phim truyện

Sau nhiều thành tích với phim tài liệu, Bành Châu bắt đầu viết kịch bản phim truyện. Năm 1970, ông một lần nữa hợp tác với đạo diễn Bùi Đình Hạc trong bộ phim Đường về quê mẹ.[14] Kịch bản bộ phim này do Bành Châu và Bùi Đình Hạc cùng nhau biên soạn. Đây là một trong những bộ phim được đánh giá cao của Bùi Đình Hạc,[15] đã công chiếu và giành được nhiều giải thưởng ở nhiều liên hoan phim trong và ngoài nước.[16][17] Năm 1973, ông tiếp tục hợp tác với Bùi Đình Hạc thực hiện bộ phim Hoa thiên lý.[18] Mặc dù không giành được giải thưởng nhưng đây là phim Việt Nam có lượng người xem cao nhất năm 1973.[19] Ông có tất cả 4 kịch bản được in thành sách và xuất bản bao gồm Đường về quê mẹ, Hoa thiên lý, Nắng mới và Câu chuyện làng dừa. Tất cả đều được in bởi Nhà xuất bản Văn hóa. Năm 1984, ông thành công bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Nghệ thuật học tại VGIK với đề tài "Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong điện ảnh Việt Nam".[1]

Năm 1987, ông tiếp tục viết kịch bản cho bộ phim Thằng Bờm. Đây là lần đầu tiên nhân vật Thằng Bờm, mở ra dòng phim điện ảnh cười của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam. Bành Châu đã xây dựng kịch bản cho bộ phim bằng cách bổ sung thêm nhiều câu chuyện dân gian.[20]